Nổi bật

Chụp ảnh chân dung cùng Gift Lee Phần 3: Truyền tải câu chuyện qua ảnh chân dung

by Gift Lee

Article Categories

Từ ảnh đen trắng đượm buồn đến hình chụp chứa những ý tưởng táo bạo và sáng tạo, mỗi câu chuyện được kể qua nghệ thuật nhiếp ảnh chân dung phụ thuộc rất nhiều vào phong cách chụp của nhiếp ảnh gia. Mục đích của nhiếp ảnh gia là truyền tải được cảm xúc của con người thông qua hình ảnh, nhưng làm thế nào để làm được điều này? Nhiếp ảnh gia chân dung kiêm người sáng tạo nội dung Gift Lee đã chia sẻ với chúng tôi bí quyết riêng để tạo ra những bức chân dung khiến người xem không thể rời mắt.  

Gift bắt đầu quan tâm đến thể loại này từ khi cô hay chụp những bức ảnh tự nhiên về bạn bè mỗi lần họ du lịch cùng nhau thời đại học. Với xuất phát điểm chỉ là mong muốn góp nhặt kỷ niệm, sau đó Gift đã quyết định theo đuổi đam mê nhiếp ảnh của mình.   

Gift chia sẻ: “Nghề nhiếp ảnh chân dung như có sức hút khó cưỡng. Mọi người đều thích nhìn thấy hình ảnh con người. Một điểm nữa thực sự hấp dẫn tôi là trong nhiều trường hợp, bạn gần như có thể gọi tên được mối quan hệ giữa nhiếp ảnh gia và người được chụp chỉ bằng cách nhìn vào bức ảnh. Bạn thể hiện cho người xem thấy cách mình nhìn nhân vật và nếu làm tốt, bạn có thể bắt được cái hồn của người đó để giúp người xem nhận ra người trong ảnh thực sự đặc biệt đến nhường nào. Đó là trải nghiệm rất đặc biệt”. 

Alpha 7 IV | FE 24-70mm F2.8 GM | 43mm | F2.8 | 1/125 sec | ISO 125

Tham gia vào cộng đồng nhiếp ảnh  

Để nâng cao tay nghề, Gift đã kết nối với cộng đồng nhiếp ảnh với các phong cách và phương pháp nhiếp ảnh khác nhau. Cộng đồng trao đổi ý tưởng với nhau và lấy cảm hứng từ những tác phẩm của nhau. Một cách làm phổ biến là hợp tác với nhau và nghĩ ra một câu chuyện hoặc ý tưởng để thực hiện bất cứ khi nào có cảm hứng từ tác phẩm nghệ thuật khác, cho dù đó là một bức ảnh, bộ phim hay một địa điểm đẹp.  

Gần đây, cộng đồng này đã thực hiện ý tưởng “Ghost of the Past” (Bóng ma quá khứ), kể về câu chuyện của người yêu đã đi xa. Mỗi thành viên lại thể hiện ý tưởng này theo cách riêng. Với Gift, cô đã áp dụng kỹ thuật phơi sáng lâu để tạo ra hiệu ứng bóng ma tại một địa điểm u ám, phảng phất nét hoài niệm và u sầu để phù hợp với chủ đề.  

Cô tâm sự: “Tôi luôn thấy thú vị và được mở rộng tầm mắt khi xem cách làm việc của các nhiếp ảnh gia khác trong cùng một dự án”.  

Alpha 7 IV | FE 24-70mm F2.8 GM | 43mm | F2.8 | 1/125 sec | ISO 125

Lên bố cục: Hãy nghe theo trực giác  

Trong mỗi buổi chụp hình, Gift đều cân nhắc cẩn thận bố cục tổng thể. Cô thường để ý đến các yếu tố thị giác như không gian âm, màu sắc, đường nét và hình khối rõ ràng có thể khiến bố cục của cô thành hoặc bại. “Nếu cảm thấy một yếu tố nào đó không ăn nhập, thái quá hoặc gây mất tập trung, thì bạn nên thử điều chỉnh bố cục”, cô chia sẻ. 

Alpha 7 IV | FE 24-70mm F2.8 GM | 40mm | F2.8 | 1/60 sec | ISO 125

Tất nhiên, bố cục phải tôn được người mẫu. Gift đặt ra nguyên tắc chung là tránh mọi yếu tố có vẻ nhô ra khỏi đầu của chủ thể, như cột hoặc bất kỳ vật nào thẳng đứng, tránh chụp ở đường chân trời nghiêng hay cắt tay chân của người mẫu khỏi khung hình.  

Hãy luôn tìm kiếm những nhiếp ảnh gia mà bạn ngưỡng mộ, xem xét kỹ các tác phẩm của họ và học hỏi theo. Bản thân Gift luôn lấy cảm hứng từ hai nhiếp ảnh gia nổi tiếng là Annie Leibovitz và Todd Hildo, với những tác phẩm mang ảnh hưởng từ các họa sĩ cổ điển.  

Cô nói: “Tôi cho rằng bạn có thể nghe theo trực giác và học hỏi từ đó. Khám phá các loại hình nghệ thuật thị giác khác như hội họa, phim ảnh hoặc thiết kế đồ họa cũng rất hữu ích. Một số nhiếp ảnh gia, chẳng hạn như Annie Leibovitz, rõ ràng chịu ảnh hưởng phần nào từ hội họa cổ điển. Các tác phẩm của Todd Hido gợi nhớ rất nhiều đến Edward Hopper, một họa sĩ theo trường phái hiện thực. J.M.W. Turner, một họa sĩ theo trường phái lãng mạn, cũng là người mà tôi rất ngưỡng mộ. Vốn đam mê phim ảnh nên tôi cũng vô thức áp dụng bố cục điện ảnh trong các bức hình của mình”.  

Alpha 7 IV | FE 35mm F1.4 GM | F2.0 | 1/80 sec | ISO 125

Đối với những bức chân dung tự nhiên, cô tin rằng chính sự không hoàn hảo sẽ đem lại thêm chiều sâu cho bức ảnh và nhân vật cần thể hiện. Theo phương pháp của Greg Williams – một nhiếp ảnh gia Hollywood, Gift hóa thân thành một trong hai kiểu nhiếp ảnh gia trong các buổi chụp: người tham gia hoặc người quan sát.  

Hai cách tiếp cận sẽ tạo ra hai phong cách chân dung hoàn toàn khác nhau. Là người tham gia trong buổi chụp, bạn phải tương tác với người mẫu và hướng dẫn họ trong cả buổi chụp. Từ đó, giữa hai người hình thành kết nối năng lượng độc đáo, được truyền tải rõ ràng trong hình ảnh. Mặt khác, khi là người quan sát, bạn cần để người mẫu tự do tương tác với ống kính. Cách này thường được áp dụng để có được những bức ảnh chân thực. Dù mang phong cách khác nhau, cả hai phương pháp này đều có thể tạo ra những hình ảnh tuyệt đẹp. Nếu bạn còn băn khoăn nên sử dụng phương pháp nào, hãy thực hành để thuần thục cả hai.  

Cô cho biết: “Tôi thậm chí không quan tâm ảnh có bị mờ không nếu bắt trọn được một khoảnh khắc tuyệt vời. Đôi khi một chút tì vết lại đem đến thêm ý nghĩa cho bức ảnh”.  

Yếu tố cốt lõi chính là giao tiếp tốt với người mẫu  

Alpha 7 IV | FE 35mm F1.4 GM | F2.2 | 1/250 sec | ISO 50

Trong mỗi buổi chụp chân dung, mối quan hệ giữa nhiếp ảnh gia và người mẫu ảnh hưởng vô cùng lớn đến tác phẩm. Theo Gift, khi làm việc với người mẫu, bạn phải khích lệ họ thật nhiều để họ thoải mái hơn khi đứng trước máy ảnh. Dù làm việc với người mẫu chuyên nghiệp, đôi khi cô vẫn phải đưa ra chỉ dẫn vì họ không thể thấy chính mình trước máy ảnh. Vì lợi ích của người mẫu, cô cũng đề nghị họ hướng góc mặt mà mình mong muốn về phía máy ảnh để buổi chụp hiệu quả hơn cho cả hai bên.  

Cô chia sẻ: “Tôi cố gắng hết sức để trao đổi liên tục và đưa ra nhiều lời động viên tích cực. Đây không phải là điểm mạnh nhất của tôi và đôi khi vẫn cần bạn tôi hỗ trợ, nhưng cách này luôn mang lại hiệu quả kỳ diệu”. Có những lần cô thậm chí còn yêu cầu người mẫu di chuyển cơ thể, chẳng hạn như đi tới đi lui, trong khi cô sử dụng chế độ chụp liên tục tốc độ cao. Phương pháp này tạo ra hiệu ứng thú vị và thậm chí có thể đem lại những bức ảnh trông rất tự nhiên.  

Một trong những thách thức thường gặp nhất là chụp người mẫu thiếu kinh nghiệm đứng trước máy ảnh. Vì người mới thường ngượng ngùng và căng thẳng, Gift khuyên họ nên đi cùng với ai đó mà họ cảm thấy thoải mái khi ở cạnh để bầu không khí trong buổi chụp thư giãn hơn.  

Alpha 7 IV | FE 24-70mm F2.8 GM | 50mm | F2.8 | 1/400 sec | ISO 100

Gift cho biết: “Nếu người mẫu không có ai đi cùng đến buổi chụp, tôi luôn dẫn theo một người bạn rất thân thiện và dễ gần của mình. Người bạn này có năng khiếu làm cho mọi người cảm thấy thoải mái. Cách này lúc nào cũng hiệu quả”.  

Hãy nhớ rằng trong nhiếp ảnh chân dung, không có cách chung nào để chụp nhân vật của bạn. Mặc dù không có công thức cụ thể để phát triển phong cách chụp chân dung mà bạn mong muốn, chúng tôi hy vọng rằng kiến thức chuyên sâu của Gift có thể giúp khả năng sáng tạo của bạn bay bổng hơn và bắt đầu lên ý tưởng cho buổi chụp tiếp theo!  

Gift đưa ra lời khuyên: “Tốt nhất là hãy giữ cho buổi chụp hình bầu không khí vui vẻ và thoải mái cho cả bạn và người mẫu. Hãy nhớ tận hưởng khoảng thời gian vui vẻ vì dù bạn có là nhiếp ảnh gia giỏi đến đâu thì không khí của buổi chụp sẽ luôn thể hiện trong ảnh”.  

Article Theme

We would like to request access to your Geolocation to provide you with a customised experience. Please know that you can withdraw your consent at any time via your browser settings.